Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Sự Tích Bánh Phu Thê - Bánh Xu Xê - Su Sê

 
"bánh phu thê tượng trưng cho Dương, bánh cốm tượng trưng cho Âm"
 
 
 
Bánh xu xê là tên gọi chệch của chữ "bánh phu thê", một thứ bánh đặc sản độc đáo nổi tiếng xuất xứ từ làng Ðình Bảng (huyện Tiên Sơn - tỉnh Bắc Ninh) quê hương của vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn). Ðã thành thói quen, dù nhiều ruộng hay ít ruộng, người Ðình Bảng từ ngàn xưa vẫn có ý thức dành riêng một thửa hay một vạt để cấy lúa nếp cái hoa vàng, thứ nếp "liền chị" này được xay lọc kỹ thành loại bột trắng tinh, mịn mượt
 
Bánh phu thê, một thứ bánh đặc sản nổi tiếng của làng Ðình Bảng thuộc huyện Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh. Tên gọi này gắn liền với câu chuyện kể về vợ chồng người lái buôn thuở xưa.
 
Chuyện kể rằng, trước lúc người chồng lên đường đi buôn ở phương xa, người vợ làm bánh tặng chồng và thề rằng cho dù xa nhau nhưng lòng nàng vẫn luôn ngọt ngào, đậm đà như bánh. Chồng cảm động đặt tên cho bánh là phu thê (tức bánh vợ chồng). Chẳng ngờ đến phương xa, người chồng bị say đắm bởi sắc đẹp của các cô gái lạ và không muốn quay về. Người vợ ở nhà biết tin liền làm bánh gởi cho chồng lèm theo lời nhắn: 
 
"Từ ngày chàng bước xuống ghe
Sóng bao nhiêu đợt bánh phu thê rầu bấy nhiêu".
 
Nhận được bánh và lời nhắn của vợ, người chồng hối hận liền tức tốc quay về và không còn nghĩ đến chuyện thay lòng đổi dạ nữa. Từ đó bánh phu thê thường hay có mặt trong các tiệc cưới nhằm nhắn nhủ lời thuỷ chung đến các đôi vợ chồng trẻ.
 
Bánh phu thê muốn ngon và đẹp mắt thì người làm bánh phải khắt khe từ khâu chọn lọc nguyên liệu đến chế biến thành phẩm.
 
Gạo được dùng để làm vỏ bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng hạt mẩy, đều. Sau đó, gạo được ngâm và đem ra xay, lọc thật kỹ. Để có được một cân bột làm bánh phải cần đến hai cân gạo. Chính vì vậy, xưa kia phu thê là loại bánh sang trọng chỉ các bậc vua chúa, quan lại mới được thưởng thức. Khi lọc bột người làm bánh dùng lá Ong Vang giã lấy nước, đánh vào bột đã được xay nhuyễn, chờ đến khi bột nổi tinh ta vớt lấy tinh bột lọc.
 
Một công đoạn nữa cũng rất quan trọng khi làm bột bánh là quá trình phơi khô bột. Việc phơi bột tùy thuộc vào thời tiết, dưới điều kiện thời tiết có nắng và có gió thì chỉ cần phơi bột trong vòng hai ngày là đủ. Vì vậy, việc làm bột thường được tiến hành từ tháng 9 đến tháng 12 (lúc này thời tiết thuận lợi cho việc phơi bột). Bột phơi được nắng sẽ có màu sắc và mùi vị thơm ngon hơn hẳn so với bột phơi thiếu nắng hoặc được sấy trên bếp.
 
Vỏ bánh phu thê muốn dẻo và dai còn cần có thêm đu đủ xanh được nạo nhỏ và ngâm phèn cho hết nhựa. Hai thứ nguyên liệu đó được trộn đều với đường trắng theo những tỷ lệ nhất định và nước quả Dành Dành sẽ tạo ra được lớp vỏ bánh vừa dẻo, vừa dai lại có màu sắc rất bắt mắt.
 
Công đoạn làm vỏ bánh cầu kỳ là vậy nhưng khâu làm nhân bánh cũng rất tốn công. Nhân bánh phu thê là sự kết hợp giữa đậu xanh, đường trắng, dừa tươi và hạt sen.
 
Nhân bánh muốn ngon thì tất cả các nguyên liệu làm nhân bánh cũng phải là những loại hảo hạng. Đậu xanh phải là loại đỗ hạt nhỏ, ruột có màu vàng óng. Đậu xanh sau khi được ngâm, đãi kỹ càng sẽ được đem đồ chín cho đến khi hạt đỗ nở ra, căng bóng nhưng vẫn không bị nát và hạt đỗ bở vụn giữa hai đầu ngón tay là đạt. Sau đó, đậu sẽ được giã nhỏ ra cho thật mịn, rồi đem quấy thật dẻo với đường trắng tạo ra một thứ chè kho ngon tuyệt.
 
Nhưng khi được thưởng thức lúc bánh vẫn còn nóng nhất là trong tiết trời se lạnh của mùa đông, vị thơm, ngọt, bùi của hạt sen, đậu xanh và dừa tươi như tan ra trong miệng đánh thức tất cả các giác quan của bạn, đó cũng coi như ta đã cảm nhận được hết hương vị của bánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét